Nhu cầu năng lượng (NCNL) của con người thay đổi theo các giai đoạn của cuộc đời. Vào giai đoạn phát triển nhanh (trẻ dưới 5 tuổi, thời kỳ dậy thì, mang thai…) thì nhu cầu năng lượng tăng lên khi so sánh theo đơn vị cân nặng cơ thể, vì cần thiết cho việc xây dựng các mô mới. Đối với trẻ tuổi nhà trẻ mẫu giáo và giai đoạn vị thành niên nhu cầu năng lượng tăng cao tương ứng với tốc độ phát triển nhanh trong thời kỳ này và tốc độ phát triển chậm giữa các giai đoạn đó.
Nhiều nghiên cứu đã cho thấy cung cấp năng lượng vượt quá nhu cầu kéo dài sẽ dẫn tới tích lũy năng lượng thừa dưới dạng mỡ và đưa đến tình trạng béo phì với các hậu quả là các bệnh rối loạn chuyển hóa mỡ máu, bệnh mạch vành, tăng huyết áp, bất dung nạp insulin dẫn đến đái tháo đường, gan nhiễm mỡ, … chưa kể đến các hậu quả về xương và bệnh ung thư. Ngược lại, thiếu NL, như các mẹ thiếu ăn hoặc không ăn được/kiêng khem trong thời kỳ có thai thì con bị suy dinh dưỡng bào thai, trẻ sinh ra có cân nặng sơ sinh thấp và sau này thường không đạt được tốc độ tăng trưởng bình thường. Thiếu NL tạm thời trong 2 năm đầu đời cũng để lại những hậu quả lâu dài dù sau này có được ăn uống đầy đủ. Suy dinh dưỡng do thiếu năng lượng và protein nặng ở trẻ (thể nặng Kwashiorkor) có ảnh hưởng tới phát triển trí tuệ. Nhiều nghiên cứu trên động vật cho thấy khi động vật bị đói lúc còn nhỏ thì khi trưởng thành số lượng tế bào nhiều bộ phận và tổ chức giảm đi mặc dù kích thước tế bào gần như không thay đổi do đó ảnh hưởng đến chức năng của cơ thể.
Trên thực tế dễ nhận thấy rằng nếu cho trẻ ăn quá ít hoặc không cân đối về các thành phần dinh dưỡng chính như quá nhiều chất đạm, chất bột sẽ gây nên tình trạng toan hóa, tăng đào thải calci, hoặc ăn quá ít dầu mỡ, dễ dẫn đến còi xương, ăn hàng ngày quá ít gây thiếu NL dẫn đến suy dinh dưỡng, hoặc cho ăn dặm quá muộn (sau 7, 8 tháng), trẻ bị thiếu máu dinh dưỡng, …
Vậy để giúp trẻ đáp ứng đủ NCNL, chúng ta cần nắm rõ NCNL ở các giai đoạn phát triển khác nhau, đặc biệt là dưới 5 tuổi (giai đoạn dễ bị ảnh hưởng tới sự phát triển và sức khỏe nhất của cả cuộc đời). Xác định nhu cầu năng lượng của mỗi cá nhân ở mỗi lứa tuổi là một việc quan trọng để đảm bảo xây dựng được một chế độ dinh dưỡng phù hợp cho sự phát triển của trẻ.
Để đảm bào nhu cầu năng lượng, trẻ từ sau sinh đến 6 tháng tuổi cần được bú mẹ hoàn toàn; Từ 7 đến 24 tháng tuổi, vẫn nên khuyến khích trẻ tiếp tục bú mẹ vì sữa mẹ là nguồn cung cấp dinh dưỡng và miễn dịch quan trọng. Tùy thuộc vào lượng sữa mẹ nhiều hay ít mà bổ sung lượng thức ăn khác nhau để đạt được tổng năng lượng đáp ứng nhu cầu khuyến nghị của trẻ ở từng nhóm tháng tuổi.
Nhu cầu năng lượng cho trẻ bú mẹ dưới 24 tháng tuổi (Viện Dinh Dưỡng 2012)
Trẻ bắt đầu ăn dặm vẫn cần được tiếp tục bú sữa mẹ hàng ngày ít nhất 3-4 lần và ăn từ 2 bữa bột cháo/ngày rồi tăng dần lên 3-4 bữa bột/ngày khi gần 1 tuổi. Lưu ý là ngay từ khi tròn 6 tháng tuổi cần ăn dặm trẻ phải được ăn dặm đúng cách đó là bột/cháo nấu với đủ 4 nhóm thực phẩm gồm chất bột, chất đạm, chất béo, chất xơ và vitamin. Nǎng lượng bữa ǎn của trẻ được cung cấp qua 3 chất: bột (như cháo, gạo, mì,... là nguồn cung cấp nǎng lượng chính), chất đạm (như trứng, thịt, cá,...), chất béo (mỡ, dầu ăn). Thức ǎn của trẻ cần được chế biến từ mềm đến cứng, từ ít đến nhiều để trẻ ăn quen dần, không cần thiết phải cho mọi thức ǎn vào máy xay sinh tố nghiền nát mà nên thái/bǎm từ rất nhỏ đến nhỏ vừa; Nấu món ăn từ rất mềm đến mềm vừa rồi đến cứng để tạo cảm giác ngon miệng và giúp rǎng lợi, cơ nhai, cơ tiêu hóa phát triển. Đối với trẻ 2-5 tuổi, NCNL như sau:
Tỷ lệ giữa các chất sinh nǎng lượng nên cân đối ở mức tương quan giữa Đạm: Béo: Đường bột là 15: 30: 55. Như vậy đến 5 tuổi, NCNL của trẻ đã đạt 75-80% nhu cầu người trưởng thành.
Để đảm bảo đầy đủ và cân đối NCNL cho cơ thể, không chỉ cần nắm được nhu cầu mà chúng ta còn cần biết được dự trữ năng lượng trong cơ thể theo cơ chế nào?
Dinh dưỡng học đã xác định rõ cơ thể người có 3 nguồn dự trữ năng lượng chính là từ chất béo, chất bột đường và chất đạm, trong đó dự trữ đạm và bột đường không đáng kể so với chất béo ở các tổ chức mỡ.
Bình thường chất béo chiếm 10% trọng lượng ở nam và 25% ở nữ, khi lượng mỡ tăng càng lớn thì tuổi thọ càng có xu hướng giảm. Chất béo tích lại ở các tổ chức mỡ nhất là ở dưới da và ổ bụng. Tổ chức béo dự trữ vẫn có các trao đổi hóa học và là tổ chức động không kém các cơ quan khác. Người khỏe mạnh có thể nhịn đói 2 tuần (nếu vẫn được uống nước) mà không có tổn thương bệnh lý kéo dài. Khi đói cơ thể sử dụng khoảng 150gr mỡ dự trữ mỗi ngày. Dự trữ mỡ có thể đủ cho chơ thể sử dụng trong khoảng 40 ngày.
Một số nghiên cứu mới đây còn cho thấy mô mỡ không đơn giản chỉ là một cơ quan dự trữ năng lượng mà còn là một cơ quan nội tiết lớn bài tiết rất nhiều các chất có hoạt tính sinh học vào hệ thống tuần hoàn được gọi là adipocytokines. Rối loạn điều hòa các adipocytokines ở người béo phì kiểu bụng có thể giải thích một phần cơ chế phân tử trong hội chứng rối loạn chuyển hóa.
Chất bột đường dự trữ dưới dạng glycogen ở gan và cơ. Phần lớn dự trữ đó chỉ đủ cho cơ thể dùng trong một ngày.
Cơ thể người có khoảng 10kg chất đạm trong đó có 3%, khoảng 300gr là dự trữ cơ động. Chúng tập trung ở bào tương các tế bào, chủ yếu ở gan, dự trữ này dùng hết trong 4-56 ngày, sau đó chất đạm của tổ chức bị phân hủy. Uớc tính nếu 20-25% tổng số chất đạm, tương ứng 2-2,5 kg protein bị phân hủy sẽ dẫn tới tử vong.
Như vậy, khi nắm vững NCNL, cần tránh ép trẻ ăn quá nhiều dẫn đến những rối loạn tiêu hóa như nôn trớ, táo bón (ăn nhiều đạm), hoặc ậm ạch, chậm tiêu, nguy hiểm hơn nữa là dễ dẫn đến bệnh béo phì như đã phân tích ở trên. Ngược lại, không nên cho trẻ ăn quá ít về lượng hoặc/và chất (chế độ ăn kiêng khem, quá ít đạm, béo) vì trẻ sẽ không đủ năng lượng để phát triển và dẫn đến suy dinh dưỡng.
TS.BS. Phan Bích Nga - Phó Giám đốc Trung tâm khám tư vấn Trẻ em - Viện Dinh Dưỡng Quốc gia - Suckhoedoisong.vn